Quản lý, khai thác công trình kênh mương thủy lợi còn bất cập

Thứ ba - 19/06/2018 15:58
Những năm gần đây, tỉnh đã sử dụng nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi. Nhiều công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đảm bảo tưới tiêu ổn định, hỗ trợ tích cực cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, do công tác quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, một số công trình bị xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của nhân dân.
Một số tuyến kênh mương đầu mối chính Keng Mạ, xã Ngọc Côn (Trùng Khánh) đã hư hỏng, xuống cấp, rò rỉ nước, hạn chế năng lực tưới tiêu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4.200 km kênh mương các loại, trong đó đã kiên cố hóa 1.745 km, đảm bảo khả năng tưới cho 3.137 ha lúa đông xuân và 19.094 ha lúa mùa, ngoài ra còn kết hợp tưới cho khoảng 5.750 ha hoa màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, thêm vào đó, nhu cầu sản xuất ngày càng lớn trong khi hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng, hiện toàn tỉnh còn khoảng 2.455 km kênh mương đất chưa được kiên cố hóa.

Theo Quyết định số 695/QĐ-UBND  ngày 15/5/2001 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý và đầu tư chương trình kiên cố hóa kênh mương công trình thủy lợi, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương lớn tại các vùng lúa trọng điểm như: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh… Nguồn kinh phí đầu tư theo mô hình: Đối với xã vùng 3, Nhà nước đầu tư 90%, nhân dân đóng góp 10%; xã vùng 2, Nhà nước đầu tư 85%, nhân dân đóng góp 15%; xã vùng 1, Nhà nước đầu tư 80%, nhân dân đóng góp 20%. Từ khi triển khai Chương trình kiên cố hóa kênh mương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các tuyến kênh mương chính đã được cứng hóa, tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hứa Văn Kiền cho biết: Toàn tỉnh có 190/199 xã, phường có công trình thủy lợi tưới do địa phương quản lý. Trên thực tế, các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp chỉ khai thác được tối đa từ 60 - 70% năng lực thiết kế, thậm chí có công trình mới khai thác được hơn 40%. Nhiều trục kênh chính tưới tiêu lớn đã bị rò rỉ nước nghiêm trọng, giảm đáng kể khả năng dẫn nước. Nhiều hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng cách đây mấy chục năm, nay đã xuống cấp. 

Từ năm 2004 đến nay, Chương trình kiên cố hóa kênh mương được phân cấp cho UBND huyện làm chủ đầu tư, do đó bộc lộ những hạn chế: Đầu tư dàn trải, không đồng bộ do vốn bố trí chỉ kiên cố hóa các đoạn kênh chính, công trình đầu mối; các kênh nhánh và kênh nội đồng chưa được đầu tư nên ảnh hưởng đến khả năng tưới của công trình. Điển hình một số tuyến kênh mương đầu mối chính do Công ty TNHH một thành viên Thủy nông quản lý với tổng chiều dài 566,51 km bao gồm kênh chính, kênh nội đồng; kênh mương nhỏ diện tích tưới dưới 5 ha do Ban Quản lý Thủy nông xã quản lý, một số tuyến đã hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa do thiếu nguồn kinh phí, như: Công trình thủy lợi Mương Tây, xã Đại Tiến (Hòa An), kênh hồ Bản Nưa, xã Đào Ngạn (Hà Quảng), công trình kéo dài kênh B Keng Mạ, xã Trung Phúc, hệ thống kênh mương thủy lợi  xã Cao Thăng (Trùng Khánh)…

Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh Đoàn Cảnh Hữu, đến nay, Trùng Khánh đã kiên cố hóa được 196 km kênh mương. Các công trình có diện tích tưới tiêu dưới 5 ha được bàn giao cho UBND xã quản lý, khai thác và không thu thuỷ lợi phí. Trong quá trình quản lý, khai thác, bước đầu đạt được những kết quả như: Các địa phương đã chủ động kiểm tra, sửa chữa, khắc phục để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ. Tuy nhiên, do không có cán bộ chuyên môn kỹ thuật nên vận hành công trình chưa đảm bảo đúng quy định, việc bố trí nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu các địa phương tự cân đối, không đảm bảo được kinh phí nên công trình nhanh xuống cấp.

Xã Ngọc Côn (Trùng Khánh) có những cánh đồng được tưới tiêu bằng công trình thủy lợi tuyến Keng Mạ gồm: tuyến Kênh A, Kênh B bắc Trùng Khánh. Anh Đinh Văn Hương, cán bộ Nông - Lâm - Giao - Thủy xã chia sẻ: Thực hiện Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, theo đó, có chính sách miễn giảm và cấp bù thủy lợi phí đối với số diện tích được tưới từ công trình thủy lợi, từ năm 2009, Ban Quản lý Thủy nông các xã, thị trấn được cấp một khoản kinh phí tương ứng với số diện tích được tưới từ các công trình thủy lợi do xã trực tiếp quản lý để đầu tư sửa chữa một số công trình thủy lợi nhỏ. Do kinh phí hạn chế nên việc đầu tư kiên cố hóa kênh mương tại Ngọc Côn gặp nhiều khó khăn. Từ các nguồn vốn Nhà nước đầu tư và lồng ghép nguồn vốn khác, xã đã kiên cố hóa được 14 km của 2 kênh chính và 10 km kênh nội đồng nhưng chỉ đáp ứng tưới tiêu cho 120 ha/300 ha lúa một vụ. Hiện, xã còn khoảng 5 tuyến mương phai đất chưa được kiên cố hóa…

Tại xã Ngọc Côn, hầu hết các công trình được xây dựng lâu năm, một số đoạn kênh mương đã xuống cấp, hư hỏng, giảm năng lực tưới, thậm chí nước tràn ra ngoài kênh và rò rỉ nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất. Ông Đinh Văn Nhung, xóm Đông Sy, xã Ngọc Côn cho biết thêm: Khi đến mùa vụ, nông dân rất lo thiếu nước, mong được Nhà nước quan tâm đầu tư sửa chữa tuyến kênh đầu mối chính, kênh nội đồng để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ.

Để có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống công trình thuỷ lợi,  cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các hộ dân hưởng lợi quản lý, khai thác hiệu quả các công trình hệ thống kênh mương, thủy lợi. Các địa phương thực hiện việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo đúng quy định. Ngành chức năng chủ động rà soát nguồn cấp bù thủy lợi phí hằng năm, có phương án phân giao cho các địa phương để  khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Thống kê truy cập

  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,032
  • Tháng hiện tại31,087
  • Tổng lượt truy cập4,848,375

CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN THỦY NÔNG CAO BẰNG
Địa chỉ: Số 58A, Tổ 11 - phường Tân Giang - Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: congtythuynongcbvn@gmail.com - Điện thoại: 0206 3853 301   - Fax: 0206 3954 866

Ghi rõ nguồn  (htttp://thuynongcaobang.com.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây